Nhà phát hành | Nhà xuất bản Trẻ |
---|---|
Tác giả/ Dịch giả | Nguyễn Vĩnh Nguyên, |
Nhà xuất bản: | Nhà xuất bản Trẻ |
Hình thức bìa | Bìa mềm |
Số trang | 352 |
Kích thước | 23 x 15.5 x 1.7 cm, |
Độ tuổi | 13+, |
Nhà cung cấp | Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Trẻ |
Trọng lượng | 446g |
Mã sản phẩm | 8934974207009 |
Đà Lạt, Thành Phố Trong Album
Sau "Đà Lạt, một thời hương xa", "Đà Lạt, bên dưới sương mù" và "Đà Lạt, những cuộc gặp gỡ", thì "Đà Lạt, thành phố trong album" là cuốn sách thứ tư; cũng là cuốn cuối cùng trong bộ tứ tác phẩm (tetralogy) khảo về Đà Lạt của tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên, được thực hiện trong 10 năm qua.
Bằng đường dây hình ảnh từ các album gia đình của người Đà Lạt và những kho ảnh của giới sưu tập, tác giả dẫn dắt người đọc đi vào không gian và thời gian của một đô thị thư nhàn, thanh tao và tự tại trong quá khứ. Bối cảnh những cuộc chuyển dịch lớn diễn ra qua phong cảnh, phong vị, tâm thế con người và tông màu thời cuộc được tác giả nắm bắt, thể hiện với một lối văn khảo và luận từ tốn, chăm chút và gợi mở.
Hình ảnh tư liệu vi lịch sử cùng những câu chuyện dẫn giải vừa cẩn trọng vừa bay bổng làm cho Đà Lạt ngày hôm qua được tái hiện trên từng trang sách, hướng đến sự giao thoa ký ức, suy tư và xúc cảm với nhiều người gắn bó, yêu mến thành phố này.
Mỗi cuốn album mang trong mình vô số câu chuyện. Bởi trong mắt người viết khảo luận, chỉ một chi tiết trên từng bức ảnh bất kỳ đều có thể lưu trữ, tái hiện, gợi mở một lai lịch cảnh quan nơi chốn và con người trong dòng chảy thời gian mênh mông và phức tạp. Hình ảnh chứa đựng sử liệu – đó là một cách nói thấu đáo và chuẩn xác.
***
Khảo luận “Đà Lạt, thành phố trong album: Phong cảnh, phong vị, con người và thời cuộc” là một sự kết hợp của những ký ức và hình ảnh của Đà Lạt xưa. Tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyễn “khảo” những album xưa để “luận về phong cảnh, nếp sống, con người và thời cuộc. Sách được phân thành hai phần chính: Phong cảnh & Phong vị và Người & Thời. Cuốn sách không phải là tác phẩm nghệ thuật nhiếp ảnh mà là hành trình tìm về văn hóa đô thị và di sản tinh thần của thành phố Đà Lạt.
Ở phần đầu, Nguyễn Vĩnh Nguyên đề cập đến vai trò của Hồ Xuân Hương và Đồi Cù trong ký ức cộng đồng Đà Lạt – những điểm giao thoa giữ sự hiện hữu và hoài niệm. Sự xuất hiện của các trường học Pháp và các món ăn Hoa đặc trưng giúp định hình một nền văn hóa Đà Lạt đa dạng. Tác giả cũng tìm về những dấu ấn của người Pháp và người Hoa trong cấu trúc văn hóa ẩm thực của thành phố. Xuất phát là nơi cung cấp những thực phẩm ôn đới để bù đắp những thiếu hụt về dinh dưỡng và tinh thần cho người Pháp tại thuộc địa (mà ban đầu phải nhập khẩu từ Pháp), món ăn Pháp đã đi từ nhà hàng vào bàn ăn gia đình. Một chuyện lạ lùng là trong cái lạnh của Đà Lạt, ăn kem đã trở thành một thú vui của người Đà Lạt và Đà Lạt có những tiệm kem nổi danh. Tác giả cũng tìm hiểu bộ sưu tập bưu ảnh Đà Lạt, đa số là những bức ảnh phong cảnh có đề từ và lời thơ rất lãng mạn, kèm những gửi gắm tâm tình của những người gửi vô danh, cũng lãng mạn không kém. Những ngôn chùa và thánh đường ở Đà Lạt cũng đi vào tâm thức của người Đà Lạt, cùng với sương mù và mưa tạo nên tâm hồn thi vị và sự tinh tế, nhỏ nhẹ. Một câu chuyện kỳ lạ và thú vị là nghiên cứu về người Nhật ở Đà Lạt trong khoảng thời gian từ 1940 đến 1945 qua tiểu thuyết/bộ phim “Trong áng phù vân”. Những thanh niên Nhật đã tắm trong không gian và tâm tưởng Đà Lạt đến nỗi họ đã gặp khủng hoảng, thậm chí tìm đến cái chết khi trở về cố quốc. Một mảng quan trọng trong sách mà tác giả Nguyễn Vinh Nguyên dành nhiều tâm sức để nghiên cứu là nhiếp ảnh, mỹ thuật, kiến trúc. Anh nói về nhiếp ảnh Đà Lạt với những nhiếp ảnh gia nổi tiếng, đoạt nhiều giải thưởng quốc tế như Nguyễn Bá Mậu. Anh viết về nhà du hành - họa sĩ Pháp chuyên vẽ về Đà Lạt, André Maire. Anh nghiên cứu bộ sưu tập biệt thự và quy hoạch các khu cư xá gắn với cảnh quan ở Đà Lạt, những đập nước tạo nên hồ thủy điện và những khách sạn xưa như hôtel Du Parc…
Ở phần sau, Nguyễn Vĩnh Nguyên viết về những nhân vật thú vị của Đà Lạt mà cuộc đời họ phản ánh không chỉ một số phận, một hoàn cảnh gia đình mà còn những biến cố lịch sử của đất nước như chuyện một ông trưởng Ty Văn hóa không màng chính trị mà mê văn hóa, văn nghệ; ông chủ tiệm sửa radio Hoàng Anh trên dốc Minh Mạng; ông chủ tiệm may veston Tailor Sơn; ông bà Nguyễn Tường Thiết (con nhà văn Nhất Linh) – Nguyễn Thái Vân trở về thăm lại Đà Lạt, nơi đã sống một thời tuổi trẻ; Giáo sư Nguyễn Khắc Dương (em Giáo sư Nguyễn Khắc Viện). Nguyễn Vĩnh Nguyên còn khảo về những trào lưu, những hiện tượng đã góp phần tạo nên tâm hồn người Đà Lạt như dòng nhạc Pháp thập niên 1960-1970 và những nhạc sĩ Việt Nam Tây học đến với Đà Lạt theo đường dẫn của những bản tình ca Pháp. Văn hóa Pháp có ảnh hưởng sâu đậm ở Đà Lạt đến nỗi những bộ phim Mỹ khi được trình chiếu ở Đà Lạt đều thông qua bản tiếng Pháp với những tờ quảng cáo phim “gốc” bằng tiếng Pháp và theo phong cách Pháp. Một mảng của Người & Thời Đà Lạt cũng rất được Nguyễn Vĩnh Nguyên chú ý là các ngành thủ công. Cái lạnh của Đà Lạt tạo nên một “ngành công nghiệp” đan len phát triển rực rỡ, với nhiều hộ gia đình và doanh nghiệp tham gia đáp ứng nhu cầu của người Đà Lạt, theo kịp xu hướng thời trang thế giới và gu ăn mặc tinh tế của người Đà Lạt. Áo dài đã trở thành “mỹ học của khói sương”, khi đa số phụ nữ đều mặc áo dài khi ra đường, từ những bà bán hàng ở chợ đến các nữ sinh. Áo dài khoác áo len đã trở thành cách ăn mặc đặc trưng của nữ sinh Đà Lạt. Những nhà may ở Đà Lạt chuyên veston đem lại sự lịch lãm cho đàn ông Đà Lạt, đến nỗi một nữ danh ca đã nói về gu ăn mặc của các chàng trai: các chàng rất suit. Suit từ ăn vận đến phong thái! Tác giả cũng dành công sức nghiên cứu về các tu viện Công giáo ở Đà Lạt mà tiêu biểu là Học viện Dòng Chúa Cứu thế.
Phần cuối là một phụ lục với 67 bức ảnh đẹp và hiếm về Đà Lạt trích từ các album gia đình và kho ảnh của giới sưu tập.